Được thu hái và chế biến từ búp
trà Shan tuyết tại Hà Giang, nơi có độ cao trung bình hơn 1300 m, quanh năm mát mẻ...thu hái tự nhiên nên rất nhiều dưỡng chất.
Hàng năm, khi cây trái đâm chồi nẩy lộc, cũng là thời điểm mà những búp chè Shan sinh sôi, nảy nở sau khi hấp thụ được rất nhiều sinh khí của đất trời. Những búp trà mập mạp, tròn trịa mơn mởn được phủ lên mình lớp mao trắng muốt như tuyết bởi vậy mới có tên là trà Shan tuyết.
Shan là núi, nghĩa là tuyết trên núi rất hợp với tên gọi của giống cây chè này.
Thông thường, một cây chè sẽ được chia ra nhiều đợt thu hái, và đợt đầu tiên sẽ được lựa chọn để chế biến thành sản phẩm trà ngon nhất. Từ 1 búp, 1 búp 1 lá, 1 búp 2, 3 lá cứ thế đến khi kết thúc của 1 năm sẽ thu hoạch từ 3 đến 4 lần.
Trong 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông thì mùa Xuân bao giờ cũng là mùa mà người yêu thức uống bổ dưỡng này trông ngóng nhất. Bởi mùa xuân là mùa mà cây trái được hấp thu bởi tiết trời đẹp nhất, chưa kể với giống cây trà Shan tuyết, nhiệt độ cuối năm càng lạnh thì tốc độ phát triển càng chậm và như thế mọi dưỡng chất cũng được ấp ủ bên trong chỉ đợi ngày bung chồi khoe hương sắc.
Trà nói chung và trà Shan tuyết nói riêng đều cho ra hương vị của mùa xuân rất thơm ngon, những người uống trà lâu năm đều thích thú với hương thơm ngào ngạt, sắc nước trong, cánh trà đẹp; vị trà mùa này ngọt dịu, ít chát nhưng hậu vị và dư vị thì khó có thể quên được. Với những người quen uống trà đậm, thì sẽ thích lựa chọn trà uống vào mùa thu hơn song đó là gu vị cá nhân, còn nhìn chung vẫn không cưỡng lại được hương vị trà được thu hái và chế biến ở vụ Xuân.
Có nhiều người còn nói, uống trà vụ xuân rồi, cả năm uống trà dù vụ khác nhưng vẫn đọng lại nỗi nhớ hương vị trà mùa xuân.
Trở lại với búp trà Shan tuyết, mùa xuân là mùa mà người làm trà đặc biệt chú ý thu hái và chế biến sản phẩm là những
búp trà Shan tuyết, để tạo ra sản phẩm Bạch trà.. bởi chỉ có Bạch trà từ búp trà Shan mới đem lại được đầy đủ yếu tố sắc, hương, vị, hình...và tất nhiên, là phải thu hái vào mùa xuân mới xứng đáng với sản phẩm này.
Nói về yếu tố sức khỏe trong lá trà thì ai cũng biết và dễ dàng tra cứu thông tin từ những nhà khoa học đã phân tích, nhưng dưỡng chất ấy trong búp bạch trà Shan mùa xuân tăng lên gấp nhiều lần bởi đơn giản, đó là những búp trà tươi nhất, ngon nhất và đặc biệt được chế biến tối giản nhất với mục đích tận dụng tối đa dưỡng chất có trong lá trà thời điểm này.
Bạch trà có thể là dùng chỉ những búp trà (phẩm cao nhất), cũng có thể 1 búp 1 lá hoặc 2, 3 lá sau khi thu hái thì đem xử lý héo nắng.. phơi khô theo quy trình tự nhiên bằng gió. Hoặc có thể sử dụng kỹ thuật tiên tiến như máy móc hoặc môi trường nhân tạo do những công ty sản xuất trà để tác động... song, việc đơn giản là để lá trà khô mất nước một cách tự nhiên cũng đòi hỏi người làm phải thực sự có kinh nghiệm. Vì yếu tố lượng nước, thời gian, nhiệt độ trong quá trình xử lý nếu không đạt chuẩn rất dễ dẫn đến hư hỏng hoặc không đạt chuẩn cho mẻ trà này.Trung bình 4kg búp trà tươi sẽ cho ra 1kg búp trà thành phẩm.
Với cách làm
bạch trà truyền thống này, lá trà sau khi xử lý xong vẫn giữ nguyên hình dạng búp trà, hoặc búp trà với những lá trà héo khô mà không vò trà tạo hình dáng như những lá trà khô thường thấy nếu chế biến thành lục trà.
Lông tơ trên búp trà bao phủ, trắng muốt, lá trà chuyển sậm (đối với dòng 1 búp kèm các lá non) khi pha ra bã trà những búp và lá này sẽ ngả màu nâu đỏ, nhìn rất giống những bã trà được lên men như Hồng trà, bởi quá trình làm khô tự nhiên, không có tác động diệt men trên chảo hay máy nên tự bản thân dòng bạch trà chế biến theo phương pháp này vẫn có sự chuyển hóa, lên men tự nhiên.
Pha bạch trà ở nhiệt 75 đến 80 độ C là nhiệt độ thích hợp với dòng trà mong manh này, bởi nếu nhiệt độ cao thì những búp trà này dễ dàng bị cháy, mùi sẽ gắt và vị cũng chát hơn, chưa kể làm chín trà bằng nhiệt độ càng cao, thì mọi dưỡng chất sẽ bị ép chín tiết ra càng nhiều...trà sẽ không được thanh mát, màu nước cũng không được trong và vị trà khó uống.
Bạch trà khi để nguội vẫn có hương vị riêng, thơm thoang thoảng mùi hoa, ngọt tự nhiên và mát vô cùng...
Ngoài ra, trên thị trường do nhu cầu kinh doanh, bảo quản hoặc đơn giản tạo ra sản phẩm mới...những búp trà shan cũng được sử dụng thành phẩm song không để khô và lên men tự nhiên mà có xử lý và diệt men trên chảo theo phương pháp làm lục trà. Những sản phẩm này cho búp trà sau chế biến giữ được màu sắc tươi mới, khi pha bã chuyển lại màu xanh tươi và ngậm đủ nước sẽ bung nở như búp trà sau khi thu hái.. đặc biệt về màu nước, nếu bạch trà cho ra màu trắng vàng trong ngả dần màu vàng và vàng hồng sau mỗi lượt nước thì những búp trà qua chế biến kiểu lục trà lại cho ra màu nước trắng mờ và trong vắt rất đều và đẹp...tuy nhiên về hương vị có thể có sự khác nhau nên nếu để nhận xét trà chế biến theo cách nào ngon hơn, thì tùy thuộc thêm vào khẩu vị người dùng...Nhưng 1 điểm chung của dòng trà búp này là đều thơm, vị rất nhẹ mà chỉ những người sành trà lâu năm mới có thể cảm nhận hết được sự tinh tế trong đó.
Nếu trà xanh đậm đà, tiền chát hậu ngọt thì bạch trà hoặc trà búp lại nhẹ nhàng, thơm, thanh, ngọt mát từ lượt nước đầu cho đến khi kết thúc buổi trà.
Nếu như trà xanh uống đến 5 lượt nước đã trôi vị, thì bạch trà hay trà búp lại giữ được hương sắc và vị ngay cả đến nước thứ 10....
Sản phẩm trà búp ngon, phải có những búp trà ngon và người chế biến phải có tay nghề cao mới có thể cho ra sản phẩm đáp ứng được những yếu tố đó.
Hiện nay, giá bạch trà trên thị trường giao động từ 1 triệu 8 đến 10 triệu tùy vào tay nghề, đơn vị sản xuất, phẩm trà (trà cổ thụ, hay ít năm tuổi, trà đồi hay trà núi, trà rừng tự nhiên hay trồng công nghiệp....) hoặc phụ thuộc thời điểm thu hoạch... thậm chí có sản phẩm lên đến 68 triệu/ 100 gram (cá nhân chưa có dịp thử và kiểm chứng) link tham khảo cuối bài viết
Hiện tại Shin tea có các sản phẩm bạch trà búp tự nhiên và búp trà đã qua xử lý...giá lần lượt từ 350k đến 500k/ 100gr
Tất cả đều đã được chính Shin tea thử, chọn lựa kỹ càng phù hợp chất lượng và giá trị sản phẩm.